Phát triển nuôi cá lồng bè theo hướng tập trung
Quảng Ninh là địa phương có tiềm năng lớn về nuôi trồng thuỷ hải sản, trong đó có nghề nuôi cá lồng. Trong những năm qua, nghề nuôi cá lồng bè trên biển đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển.
Định hướng đến năm 2045, tỉnh Quảng Ninh sẽ phát triển ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Nuôi biển trở thành lĩnh vực quan trọng của ngành thủy sản, có đóng góp trên 80% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Tiềm năng khai thác thuỷ sản lớn
Quảng Ninh có bờ biển dài 250km, với diện tích tự nhiên trên 6,1 nghìn km2, với 2.077 đảo lớn nhỏ, có 40.000ha bãi triều và trên 20.000ha eo vịnh là lợi thế để phát triển kinh tế biển và thủy sản. Đồng thời, Quảng Ninh có 3/28 khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh); có 4 cảng khẩu trên biển (Cẩm Phả, Cái Lân, Hòn Gai, Vạn Gia); là một trong các tỉnh có các đảo, quần đảo thuộc vịnh Bắc Bộ gần đường phân định vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc…
Lãng đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh thăm quan mô hình nuôi cá lồng bè của HTX Nuôi trồng thuỷ sản Phất Cờ.
Đặc biệt, vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, có nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú. Đây là những tiềm năng, lợi thế nổi trội của tỉnh Quảng Ninh, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế thủy sản, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản trên biển.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, diện tích nuôi trồng đạt 32.092ha (trong đó: 7.500ha nuôi tôm; 2.208ha nuôi cá biển; 9.500ha nuôi nhuyễn thể; 2.500ha nuôi nước ngọt; 10.384ha nuôi các đối tượng khác và 14.502 lồng nuôi cá biển).
Năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 149.799 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 75.279 tấn, nuôi trồng 74.520 tấn (trong đó nuôi biển đạt 43.827 tấn); giá trị tăng thêm kinh tế thuỷ sản theo giá cố định đạt 3.774,6 tỷ đồng chiếm 2,64% GRDP toàn tỉnh và 51% GRDP toàn ngành nông nghiệp của tỉnh; giá trị sản xuất theo giá cố định đạt 6.591 tỷ đồng chiếm trên 45,3% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 100 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 62.000 lao động.
Năm 2022, Quảng Ninh phấn đấu nuôi biển đạt sản lượng 77.000 tấn (trong đó, sản lượng tôm 25.000 tấn, sản lượng nuôi biển 52.000 tấn). Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 72.921 tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 34.834 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 38.087 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 32.092ha.
Tỉnh Quảng Ninh tập trung chỉ đạo và hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: Cá biển (song, chim vây vàng, vược, giò (bớp),…); nhuyễn thể (hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông, ngao hoa, ngao giá, tu hài, nghêu Bến Tre, ngao dầu…)..
Toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống. Hàng năm tổng nhu cầu giống thả toàn tỉnh khoảng 4.959 triệu con giống các loại (trong đó: 3.050 triệu con giống nhuyễn thể; 1.630 triệu con tôm giống, 51 triệu cá biển giống, 48 triệu giống cá nước ngọt, 180 triệu con giống khác.
Xây dựng thương hiệu
Nghề nuôi cá lồng bè trên biển phát triển mạnh ở các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Gà, Hải Hà, Móng Cái với trên 14.000 lồng nuôi cá biển. Công trình nuôi, phổ biến là ô lồng có kích thước 3m x 3m x 3m liên kết lại thành hệ thống bè nuôi, mỗi bè trung bình được liên kết lại từ 4-8 ô lồng; vật liệu làm lồng thường là gỗ, tre; vật liệu nổi thường sử dụng phao xốp, một số cơ sở sử dụng phao làm từ phi nhựa loại 200 lít….
Mật độ thả nuôi, thường giai đoạn nhỏ thả với mật độ trên 20 con/m3 và san thưa dần. Thức ăn chủ yếu sử dụng cá tạp. Thời gian nuôi tính cho tất cả các loài cá nuôi mặn lợ trung bình từ 1,5-2 năm. Kích cỡ thu hoạch trung bình khoảng trên 1 kg/con.
Mô hình nuôi cá song lồng bè tại huyện Vân Đồn.
Bên cạnh đó, việc chế biến thuỷ sản xuất khẩu được tỉnh đặc biệt coi trọng việc xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 175 cơ sở sơ chế, chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Từ chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm – OCOP” được triển khai đã giúp nhiều mặt hàng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh có chất lượng cao. Đến nay, đã có nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã kết nối được vào 26 Trung tâm, cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh; 100% các cơ sở chế biến thuỷ sản trên địa bàn đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo HACCP.
Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Quảng Ninh: “Hiện nay, lợi thế nuôi biển tại Quảng Ninh là rất lớn, tỉnh đã ban hành kế hoạch tập trung, rà soát lại quy hoạch của tỉnh, những vùng có tiềm năng, sắp xếp lại diện tích NTTS trong 3 hải lý để giảm bớt mật độ phục vụ cho ngành kinh tế khác. Từ 3 đến 6 hải lý rà soát sắp xếp NTTS trên cơ sở bảo vệ môi trường và tập trung phát triển NTTS gắn với du lịch. Ngoài 6 hải lý tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ phát triển nuôi ở vùng đó, tạo vùng nguyên liệu phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Cùng với đó là liên kết vùng từ vĩ tuyến 17 trở ra, đối với con tôm Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định để tạo vùng nguyên liệu lớn. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư phát triển nuôi biển theo quy mô công nghiệp, hiện đại, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc.
Năm 2045 – Phát triển nghề nuôi biển đạt trình độ tiên tiến
Nhằm phát triển theo hướng bền vững, giảm áp lực lên ngư trường, những năm tới, ngành Thủy sản Quảng Ninh chú trọng tăng diện tích, đầu tư công nghệ, giống mới, giá trị, tỷ trọng… cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Trong đó nuôi biển, nhất là nuôi biển xa bờ là hướng phát triển kinh tế bền vững của tỉnh.
Với mục tiêu đến năm 2045, Quảng Ninh sẽ phát triển ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Nuôi biển trở thành một trong những bộ phận quan trọng của ngành thủy sản, có đóng góp trên 80% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, Quảng Ninh đặt ra một số giải pháp phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; cơ cấu lại diện tích, đối tượng nuôi phù hợp; hoàn thiện quy trình nuôi, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường; tập trung phát triển nuôi biển công nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật Thủy sản hiện hành; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có chứng nhận (ASC, GlobalGAP, VietGAP…).
Đồng thời, chú trọng công tác quan trắc môi trường, giám sát bệnh dịch phục vụ nuôi biển; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, hậu cần dịch vụ và phát triển nuôi biển theo các chuỗi liên kết giá trị. Phát triển thị trường nội tỉnh gắn với chương trình OCOP; quy hoạch lại hệ thống chợ đầu mối, hình thành các kênh phân phối hàng thủy sản trong và ngoài tỉnh. Hình thành sàn giao dịch thủy sản tại Quảng Ninh. Xây dựng các trung tâm thương mại nghề cá kết hợp du lịch tại Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái. Duy trì, giữ vững 3 thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc, EU, Nhật Bản; mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực có nhiều tiềm năng như: Đông Âu, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, ASEAN… Từng bước góp phần phát triển nghề nuôi biển ở Quảng Ninh.
Nguồn: Phạm Trang